A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Công tác phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng theo Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC

1. Bổ sung chủ thể có trách nhiệm phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng, gồm: Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; một số cơ sở giam giữ (buồng tạm giữ thuộc đồn biên phòng) và một số người có thẩm quyền của cơ sở giam giữ (Giám thị, Phó Giám thị, Trưởng phân trại, Phó Trưởng phân trại, Đội trưởng, Phó Đội trưởng và người làm nhiệm vụ quản giáo trong trại tạm giam; người làm nhiệm vụ quản giáo trong nhà tạm giữ; Đồn trưởng đồn biên phòng nơi có buồng tạm giữ thuộc đồn biên phòng, Trưởng buồng tạm giữ thuộc đồn biên phòng); trại giam và người có thẩm quyền của trại giam (Trưởng phân trại, Phó Trưởng phân trại, Đội trưởng, Phó Đội trưởng trại giam).

2. Bổ sung trách nhiệm phối hợp của các cơ quan có liên quan trong hoạt động tố tụng:

- Trách nhiệm bắt buộc trong việc giải thích, thông báo, thông tin về trợ giúp pháp lý như:

+ Quy định rõ các chủ thể có trách nhiệm phải giải thích, thông báo, thông tin về trợ giúp pháp lý: Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng; người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; cơ sở giam giữ; trại giam; người có thẩm quyền của cơ sở giam giữ, trại giam

+ Quy định rõ trách nhiệm về thời điểm, quy trình giải thích quyền được trợ giúp pháp lý:

* Thời điểm giải thích: Tại thời điểm bắt, tạm giữ người, lấy lời khai, hỏi cung bị can, lấy lời khai của người bị hại, lấy lời khai của đương sự, đương sự nộp đơn trực tiếp tại Tòa án hoặc tại thời điểm gửi thông báo thụ lý vụ án, thông báo thụ lý đơn yêu cầu.

* Quy trình: Phát Bản thông tin về người được trợ giúp pháp lý: tại thời điểm trên, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm chuyển tới Bản thông tin về người được trợ giúp pháp lý. Trường hợp họ không tự đọc được thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm thông báo cho họ biết. Giải thích về quyền được trợ giúp pháp lý khi người bị buộc tội, người bị hại, đương sự tự nhận mình là người được trợ giúp pháp lý. Riêng trong tố tụng hình sự, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đọc, hướng dẫn cụ thể nội dung và điền thông tin vào Biên bản giải thích về quyền được trợ giúp pháp lý.

+ Quy định rõ về trách nhiệm thông báo, thông tin về trợ giúp pháp lý:

* Trong tố tụng hình sự: Trường hợp người bị buộc tội, người bị hại, đương sự tự nhận mình là người được trợ giúp pháp lý nếu có yêu cầu trợ giúp pháp lý thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thông báo cho Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước để cử người thực hiện trợ giúp pháp lý. Nếu chưa có yêu cầu trợ giúp pháp lý thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thông tin cho Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước. Trường hợp chỉ định người bào chữa cho người bị buộc tội thuộc diện được trợ giúp pháp lý theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, nếu người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ không mời người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đề nghị Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nướccử ngay người thực hiện trợ giúp pháp lý.

* Trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính: Việc thông báo, thông tin về trợ giúp pháp lý được thực hiện như trong tố tụng hình sự, trừ việc thông báo về trợ giúp pháp lý không phải ghi vào biên bản tố tụng.

+ Quy định trách nhiệm lưu hồ sơ vụ án những bằng chứng của việc giải thích, thông báo về trợ giúp pháp lý trong tố tụng hình sự: Biên bản giải thích về quyền được trợ giúp pháp lý, việc thông báo về trợ giúp pháp lý được ghi vào Biên bản tố tụng và lưu tại hồ sơ vụ án.

+ Bổ sung quyền khiếu nại của người được trợ giúp pháp lý nếu họ không được giải thích quyền được trợ giúp pháp lý.

- Sửa đổi, bổ sung một số quy định về một số trách nhiệm khác gồm:

+  Sửa đổi về thời gian đăng ký bào chữa: Rút ngắn thời gian đăng ký bào chữa từ 03 ngày làm việc xuống còn 24 giờ kể từ khi nhận đủ giấy tờ theo quy định.

+ Bổ sung một số trách nhiệm: thống kê vào Sổ theo dõi vụ việc trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng; khuyến khích cơ quan điều tra, tòa án các cấp tạo điều kiện người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại các cơ quan này phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương…

3. Bổ sung, sửa đổi một số quy định về trách nhiệm của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước

- Bổ sung trách nhiệm kiểm tra diện người được trợ giúp pháp lý, cử người thực hiện trợ giúp pháp lý: Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo, Trung tâm có trách nhiệm cử người thực hiện TGPL. Nếu vụ việc thuộc trường hợp thụ lý ngay thì Trung tâm cử ngay người thực hiện trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý. Khi Trung tâm nhận được thông báo, thông tin của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng và có trách nhiệm thông tin phản hồi nếu họ không thuộc diện được trợ giúp pháp lý hoặc không có yêu cầu trợ giúp pháp lý.

- Bổ sung trách nhiệm cung cấp các biểu mẫu ban hành theo quy định, cung cấp cho cơ sở giam giữ các tài liệu băng ghi âm, đĩa ghi âm, USB hoặc phương tiện khác có chứa nội dung thông tin về trợ giúp pháp lý dạng âm thanh.

- Ngoài ra, còn sửa đổi về thời hạn Trung tâm cử người thay thế người thực hiện trợ giúp pháp lý: rút ngắn còn 24 giờ (trước kia là không quá 02 ngày làm việc) kể từ khi Trung tâm nhận được văn bản từ chối việc đăng ký bào chữa.

4. Quy định rõ trách nhiệm của thành viên Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng

Trước hết, đã tách bạch giữa nhiệm vụ chung của Hội đồng với nhiệm vụ của các ngành thành viên, phân chia nhiệm vụ giữa thành viên của ngành Tư pháp - cơ quan thường trực Hội đồng, ngành Tài chính với các thành viên thuộc các ngành còn lại. Ngoài ra, còn sửa đổi, bổ sung thành phần Hội đồng phối hợp liên ngành Trung ương và địa phương; bổ sung một số nhiệm vụ để tăng tính hiệu quả của Hội đồng phối hợp; sửa đổi kỳ báo cáo, thời hạn gửi báo cáo, mẫu báo cáo phù hợp với quy định về báo cáo, thống kê của ngành Tư pháp; bổ sung một số khoản kinh phí và cơ quan, đơn vị được lập dự toán kinh phí phối hợp…

Có thể thấy Thông tư liên tịch số 10 đã có những sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung quan trọng, phù hợp với quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự, Bộ luật Tố tụng Dân sự, Luật Tố tụng hành chính sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ công tác phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng trong thời gian tới, nhằm đảm bảo quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật./.

Bích Thủy

 


Nguồn: sotuphap.www.knparagon.com
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thăm dò ý kiến
Theo bạn thông tin nội dung của website thế nào?
Thống kê truy cập
Hôm nay : 50
Hôm qua : 871
Tháng 05 : 4.373
Năm 2020 : 101.269